Cái tĩn Nam Vang lẽ bạn
Mấy chú hỏi tại sao nhà tui có cái tĩn Nam Vang lớn mà tốt vậy à? Cái tĩn màu da lươn bóng ngời, đựng trên một giạ gạo đó. Hồi xưa, nhà tui có chẵn cặp chớ đâu phải cu ki một cái này. Cặp tĩn của ông bà để lại mấy đời. Từ miệt Sa Đéc, vợ chồng tui xuống chỉ có một cặp tĩn đó với chiếc giỏ mây, đến đây sanh cơ lập nghiệp. Gia sản lưu truyền mà, nhưng đã bị mất đi một cái. Mỗi lần nhớ tới, tui thấy tiếc hùi hụi trong bụng.
Đó là một buổi chiều, tui xác cặp tĩn ra lung , định múc nước về xài. Ra đến, thấy cá rô phóng như cơm sôi, tui mới nghĩ cách kiếm vài con cá để chiều ăn. Tui bẻ một nhánh trắm con làm cần câu, bứt sợi dây bẫy cò của ai đó làm nhợ, rút cây lông nhím trên đầu tóc xuống uốn cong làm lưỡi câu, bắt một mớ cào cào làm mồi. Cá rô vùng đất U Minh này hồi mới khai mở thì khỏi phải nói, con nào con nấy cân nặng tay, màu da đen trạy, có râu. Vừa bỏ mồi xuống là thấy "chàng y" đớp liền. Nhợ câu bị lôi xiên xiên về phía trên gió. Mình nhóng nhóng thử ngọn cần câu, nghe bên dưới trì trì thì giật lên một cái. Một chú rô mề đỏ đuôi, có hai sợi râu dài thượt, giãy lõm bõm. Cứ vậy mà lôi lên. Cái miệng tĩn vòng cỡ hai gang tay, nhưng phải cầm con cá rô ấn mạnh thì cái đầu nó mới chụp được vào trong. Tui vừa câu vừa "ấn" một hơi độ nửa tiếng đồng hồ thì đầy nhóc một tĩn cá. Còn lại một tĩn múc nước, tìm một khúc cây làm đòn, gánh về. Đến chừng bắt cá ra làm thịt, bà vợ tui cằn nhằn vì lấy cá ra khó quá. Thử hỏi, cá rô mà cầm hai tay ấn mạnh cái đầu nó mới phụp vô miệng tĩn thì tới chừng bắt ra làm sao lôi ngược nó ra được? Bị vợ cằn nhằn một hồi tui nổi khùng, xách cây đập cái tĩn một phát cho xong. Thế là bây giờ chỉ còn có một cái.